Bất động sản gặp khó, sàn giao dịch đóng cửa hàng loạt
21/03/2020

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.


Hàng loạt sàn môi giới bất động sản ở Đà Nẵng đóng cửa

Cắt giảm nhân sự, đóng sàn

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong tổng số khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa.
Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) không mở bán dự án mới, nếu có dự án mới cũng ít người mua.
Trong trường hợp dịch kéo dài sẽ làm nguồn thu tài chính của khách hàng giảm đi, không có tiền đóng theo tiến độ cho chủ đầu tư, không có tiền đầu tư vào bất động sản sẽ dễ xảy ra nguy cơ đổ vỡ dạng domino
Ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land
“Thống kê trong hệ thống Hội Môi giới BĐS Việt Nam và từ Bộ Xây dựng cho thấy đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS, trong đó TP.HCM có khoảng 300 sàn, nhưng đến cuối năm 2019 do nguồn cung sụt giảm, các sàn bắt đầu “rơi rụng”, hoạt động vất vưởng nhưng chưa đóng cửa nhiều. Tuy nhiên đến giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng đóng cửa các sàn môi giới BĐS diễn ra ồ ạt, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang gần như 90% đóng cửa”, ông Đính cho hay.
 
Thực tế cho thấy, từ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 thị trường BĐS đã chững lại, nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, các sàn môi giới phải cắt giảm nhân sự, đóng cửa, đa số là với các sàn nhỏ lẻ, mở rầm rộ trong thời gian qua.
 
Như Công ty môi giới VT Real (Q.10, TP.HCM) thời kỳ vàng son đầu năm 2019 có đến 400 nhân viên kinh doanh thì nay cho nghỉ hết để trốn dịch, chỉ còn lại dàn lãnh đạo công ty. “Hiện nay một phần không có dự án, một phần dịch bệnh nên công ty cho nghỉ vì có vào cũng không có việc làm, lại có khả năng lây bệnh. Đến khi dịch bệnh được khống chế hẳn sẽ tuyển dụng nhân sự trở lại và tìm kiếm nguồn hàng”, lãnh đạo công ty này cho hay.
 
Công ty G Real cũng đã quyết định cắt giảm nhân sự từ 100 nhân viên kinh doanh xuống còn khoảng 10 người để hoạt động cầm chừng chờ dịch qua đi và thị trường hồi phục mới dám tuyển dụng trở lại.
 
Hay như Công ty Country Holdings đã cho đóng cửa, dừng mọi hoạt động. Toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản đã chia cho các cổ đông. Theo một lãnh đạo công ty, từ trước Tết âm lịch 2020 khoảng 1 tháng công ty đã đóng cửa cho đến nay.
 
Tập đoàn Trần Anh, một tập đoàn BĐS lớn ở Long An, vừa là chủ đầu tư hàng loạt dự án, vừa quản lý 12 sàn giao dịch BĐS nhưng hiện đã đóng cửa 4 sàn vì không có khách, không bán được hàng.

Thanh lọc các sàn “lôm côm”

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông, cho rằng con số thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam chính xác vì các sàn hiện nay đa số là “ngáp ngáp” khi sản phẩm không có để bán, khách hàng quan tâm đến BĐS không nhiều. Nếu như trước đây nhân viên kinh doanh chỉ cần tiếp cận 2 - 3 khách hàng có thể có người mua, còn nay tiếp cận 10 khách hàng cũng chẳng bán được vì ai cũng thủ tiền mặt trước diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp. “Các sàn nhỏ hiện nay đa số là chết hết vì không chịu nổi chi phí. Ngay Tập đoàn Phú Đông dự kiến tháng 3 này sẽ mở bán căn hộ nhưng do dịch phải dời kế hoạch lại, chờ thị trường tươi tỉnh hơn sẽ công bố”, ông Phúc cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thời gian qua các công ty môi giới BĐS được lập ra quá dễ dàng, khi luật quy định tối thiểu chỉ cần 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới là được thành lập công ty.
Một công ty 500 người môi giới nhưng chỉ cần 2 người có chứng chỉ là được hoạt động hợp pháp. Chính vì quá dễ nên nhân viên kinh doanh chỉ mới mon men vào nghề cũng ra lập công ty. Công ty không cần văn phòng, chỉ cần ngồi quán cà phê là có thể hoạt động. Chính vì vậy, việc đóng cửa các công ty môi giới này là điều dễ hiểu và cần thiết để thanh lọc lại.
Ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho rằng thị trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó đối với các chủ đầu tư, khó khăn nhất là pháp lý để triển khai dự án, sau đó mới đến dịch Covid-19.
Theo quy trình 6 bước để thực hiện dự án BĐS, đến bước thứ 4 buộc DN phải đóng tiền sử dụng đất. Từ lúc đóng tiền sử dụng đất đến khi ra được giấy phép xây dựng, đủ điều kiện bán hàng khi xong móng là mất rất nhiều thời gian.
Trong thời gian này DN đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng lúc này chưa bán được hàng, ngân hàng chưa cho vay bởi theo quy định chỉ cho vay khi có giấy phép xây dựng.
“DN mua một dự án, dù chưa hoàn tất giấy phép xây dựng thì ngân hàng có thể dựa trên giá trị tài sản để cho vay. Trong khi những khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính còn chưa được tháo gỡ thì dịch Covid-19 ập đến khiến thị trường đã khó càng khó hơn. Trong trường hợp dịch kéo dài sẽ làm nguồn thu tài chính của khách hàng giảm đi, không có tiền đóng theo tiến độ cho chủ đầu tư, không có tiền đầu tư vào BĐS sẽ dễ xảy ra nguy cơ đổ vỡ dạng domino”, ông Khương lo lắng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, luật Kinh doanh BĐS đã bỏ quy định bắt buộc phải qua sàn nên đơn vị môi giới phải chuyên nghiệp để chủ đầu tư tin tưởng lựa chọn, khách hàng tín nhiệm mới có nguồn cung và nguồn cầu. Hiện nay dịch Covid-19 tác động trực tiếp làm cho các sàn đã èo uột càng èo uột thêm, nên những sàn nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa.
 
Thanhnien.vn
Đừng bỏ lỡ thông tin !
Cùng 50,000 nhà đầu tư bất động sản, nhận những thông tin mới nhất của thị trường được gửi qua email hàng tuần.
Cám ơn bạn đã đăng ký!