Cảm nghĩ về Thành Phố Hồ Chí Minh mới
01/07/2025

TP Hồ Chí Minh đã chính thức trở thành một siêu đô thị quốc tế lớn. Khác với một số người nghĩ ngay đến một thành phố có qui mô dân số 14 triệu, chiều dài thành phố lên đến 130km (phải bay máy bay nội địa bên trong thành phố), tôi lại nghĩ về tiềm năng vô cùng to lớn và không gian phát triển rộng mở cho TP Hồ Chí Minh.

Vâng, từ ngày hôm nay, TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm tài chính, thương mại, đổi mới, sáng tạo lớn nhất cả nước mà còn là trung tâm sản xuất công nghiệp, trung tâm dịch vụ logistics, thăm dò, khai thác, chế biến, dịch vụ dầu khí và dịch vụ du lịch biển – đảo.

Với sự bổ sung của 38 khu công nghiệp (KCN) của Bình Dương, TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp lớn với 57 khu công nghiệp, trong đó có những KCN tên tuổi như Vietnam – Singapore (3 KCN), Sóng Thần (3 KCN), Mỹ Phước (3 KCN), Tân Tạo, Tân Thuận, Linh Trung, Linh Xuân, Cát Lái, Hiệp Phước, Phong Phú. Về kinh tế số, đổi mới sáng tạo TP HCM có khu Công nghệ cao (Quận 9), khu phần mềm Quang Trung (chắc chưa đủ cần mở thêm một vài khu công nghệ cao nữa),

Sự góp mặt của Vũng Tàu đã đưa TP Hồ Chí Minh trở thành TP thăm dò, khai thác dầu khí với các mỏ dầu khí lớn như Bạch Hổ, Rồng, Cá Voi, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng; Dịch vụ dầu khí với dịch vụ khoan thăm dò, vận tải, hậu cần, kỹ thuật dầu khí và chế biến dầu khí với nhà máy lọc dầu số 3 tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, cùng với các cơ sở hạ tầng liên quan đến chế biến dầu khí. Các công ty dầu khí ở TP Hồ Chí Minh bao gồm VietsoPetro, PV Oil, GAS, PVEP (Thăm dò và khai thác), PTSC (dịch vụ Kỹ thuật), PVD (Khoan và dịch vụ Dầu khí), PSV (Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí), PV Trans (Vận tải dầu khí).

Với cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất với các nhà ga T1, T2, T3, sân bay Long Thành (tuy ở Đồng Nai, nhưng coi như phục vụ cho TP HCM) cùng các cảng biển: Cái Lái (cảng lớn nhất Việt Nam), Cái mép – Thị Vải (cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam), siêu cảng Cần Giờ, Tân Cảng (Phú Hữu, Hiệp Phước), Container quốc tế, Tân Thuận, Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam mà còn hướng tới trung tâm logistic quốc tế lớn đủ sức cạnh tranh với các trung tâm logistic lớn nhất trong khu vực.

Điểm thú vị nhất là giờ đây TP Hồ Chí Minh trở thành TP du lịch biển và du lịch đảo. Khu phố Tây Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão và khu trung tâm (Sài Gòn) kết hợp với các bãi biển Vũng Tàu, Hồ Tràm, Long Hải, Bình Châu, Cần Giờ (Vin đang phát triển) và Côn Đảo làm cho du lịch TP Hồ Chí Minh trở nên sinh động với nhiều sắc thái mà rất ít thành phố trên thế giới có được.

TP Hồ Chí Minh đang hướng tới trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế với nền tảng là trụ sở chính của 11 ngân hàng Việt Nam (ACB, Sacombank, HD Bank, Eximbank, Nam Á Bank, VIB, SCB, Đong Á Bank,VietBank, OCB, Vietcapital Bank), các chi nhánh lớn của các ngân hàng Việt Nam (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV); sự hiện diền của 10 ngân hàng nước ngoài (HSBC Bank, Shinhan, Standard Chartered, Public Bank, UOB, Hong Leong, Woori Bank, CIMB Bank, ANZ, CitiBank) cùng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Bank of China, Bank of India, Bank of Communications, Agricultural Bank of China, Bangkok Bank).

Hãy nhìn ra các TP lớn khác trong khu vực, thử hỏi có thành phố lớn nào có đủ cả tài chính, thương mại, công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, dầu khí, dịch vụ dầu khí, logistic, du lịch biển như TP Hồ Chí Minh. Câu trả lời là không.

Để biến những tiềm năng vô cùng to lớn kể trên với không gian phát triển to lớn, rộng mở, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều việc phải làm và phải làm thật nhanh chóng và quyết liệt, bởi thời gian là vàng, là bạc, thời gian không chờ đợi một ai.

Nguồn: CaoBao Do (Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT)

Đừng bỏ lỡ thông tin !
Cùng 50,000 nhà đầu tư bất động sản, nhận những thông tin mới nhất của thị trường được gửi qua email hàng tuần.
Cám ơn bạn đã đăng ký!